Lịch sử chữ viết trên thế giới
Từ những ngày đầu năm 2015 khi Lưu Chữ mới được hình thành cho tới bây giờ, có những câu hỏi Lưu Chữ luôn muốn tìm câu trả lời trong bất kỳ hoạt động nào của nhóm. Đó chính là “Con chữ này chứa đựng điều gì? Và tại sao nó lại có hình hài như ngày hôm nay?”. Chuỗi bài viết "Tổng quan chữ viết trên thế giới" và "Lịch sử phát triển chữ viết ở Việt Nam" được thành hình để trả lời 2 câu hỏi đó, với mong muốn rằng qua những bài viết sắp tới sẽ phần nào thoả mãn được sự tò mò và yêu thích con chữ của nhóm cũng như của những người có chung niềm đam mê. Chắp bút cho chuỗi bài viết về hệ thống lịch sử chữ viết trên thế giới, bài mở đầu sẽ tập trung đi vào 3 yếu tố chính: KháI niệm; Đặc đIểm của việc sử dụng chữ viết và Các hệ thống chữ viết chính.
Người tinh khôn (Homo Sapien) có mặt trên trái đất 300,000 năm về trước, và chữ viết xuất hiện trong vòng 5,000 năm trở lại đây. Làm một phép so sánh nhỏ: nếu như coi lịch sử của người tinh khôn trên trái đất được gói gọn trong 24 tiếng, thì chữ viết sẽ xuất hiện vào 23h36’ khuya. Nếu chỉ nhìn vào mặt con số, thì có thể thấy chữ viết có mặt muộn so với tiến trình phát triển của loài người. Nhưng khi xét về mặt xã hội, trong 5,000 năm đó, từ tập quán sinh sống nhỏ lẻ và rải rác, nhờ chữ viết mà loài người đã xây dựng được những nền văn minh lớn với tổ chức xã hội phức tạp và dày đặc. Nếu chữ viết có mặt ngay khi tổ tiên của loài người tiến hoá thành người tinh khôn, thì hẳn năm 2020 mới sẽ khác xa nhiều so với thực tế những gì chúng ta đang có ngay lúc này.
Định nghĩa
Chữ viết được cấu tạo từ các ký tự. Những chuỗi ký tự khi được đặt cạnh nhau, theo một logic nhất định, sẽ tạo ra các luồng thông tin nối tiếp như những đoàn tàu vào ga chạy qua não bộ liên tục không nghỉ.
Những ký tự này nếu như bị sắp xếp lộn xộn sẽ cản trở tốc độ đọc và hiểu của người tiếp nhận, có khi còn khiến họ hiểu sai vấn đề. Vậy tồn tại một quy tắc nhất định khi nói về chữ viết, hay như Powell định nghĩa rằng “Chữ viết là một hệ thống các ký hiệu đánh dấu với một hệ tham chiếu được quy ước để truyền đạt thông tin”. [1] (Writing is a system of markings with a conventional reference that communicates information). Khi người đọc hiểu được được ý bạn viết và nói lại được về ý của bạn, tức là chữ viết đã thành công với nhiệm vụ mà nó được giao rồi.
Đặc điểm của việc sử dụng chữ viết
Vì chữ viết được sinh ra chính bởi mong muốn muốn truyền tải những ý tưởng và từ người này sang người hoặc nhóm người kia, nên bản thân nó có tính:
(1) Lưu trữ - những thông tin, dù nhỏ như việc hôm nay bạn phải đi chợ mua gì cho buổi tối được viết vội trên tờ note hoặc trong điện thoại hay những thứ lớn hơn như kiến thức hoặc lịch sử trong sách vở hoặc bách khoa toàn thư, đều là những dữ liệu mà chữ viết sẽ mã hoá và truyền tải được.
(2) Cá nhân và Tượng trưng - mỗi dòng chữ thể hiện suy nghĩ của người viết, và mỗi người sẽ có một nét chữ và cách viết và sử dụng ngôn từ rất riêng.
(3) Hệ thống hoá - với mỗi quốc gia, số lượng ngôn ngữ sẽ không chỉ dừng lại ở 1 hoặc 2, và với mỗi ngôn ngữ sẽ có rất nhiều biến thể tuỳ thuộc vào địa phương - còn gọi là phương ngữ. Như ở Việt Nam, chúng ta có một ngôn ngữ - tiếng Việt làm quốc ngữ, và 3 hệ phương ngữ phân chia theo địa lý: Bắc, Trung và Nam. Nếu như mỗi phương ngữ yêu cầu một hệ chữ viết khác nhau, thì cần phải hiểu được 3 hệ chữ viết thì mới có thể đọc thành thạo tiếng Việt lúc bấy giờ. Việc sử dụng 1 hệ thống chữ Quốc Ngữ cho 3 hệ phương ngữ giúp cho người học tiếng Việt - dù ở trong nước hay nước ngoài - dễ dàng hơn rất nhiều, vì dù có khác nhau về âm và ngữ nghĩa nhưng đều có thể quy về một hệ thống chữ viết mà phần lớn mọi người đều sử dụng.
Nhưng do trong chữ viết chứa nhiều thông tin và suy nghĩ, từ cá nhân cho tới tập thể hoặc lớn hơn là mức độ quốc gia, nên không thể nói rằng nó không có tính (4) Chính trị và văn hoá được. Đặc điểm này cũng khá giống với điểm (2) Cá nhân và tượng trưng, nhưng thay vì chỉ nhìn vào mặt nhận dạng như ở trên, đặc điểm này muốn nhắc tới những hệ suy nghĩ và tư tưởng mà chữ viết hàm chứa.
Các hệ thống chữ viết chính
[2] Có 4 hệ chữ viết chính trên thế giới. Chúng ta đã quen thuộc với hệ thống chữ cái Latin được sử dụng trong Chữ Quốc Ngữ(1- hệ thống chữ cái Latin thuộc Bảng chữ cái) và ký tự Việt cổ, Hán tự, Nôm tự(2- chữ Biểu ý/ Tượng hình). Bên cạnh đó, có thể chia hệ chữ viết thêm làm 2 nhánh nữa: 3 - Tượng âm và 4 - Tượng trưng (*). Khi có dịp trong những bài viết sắp tới, nếu bắt gặp lại những hệ chữ viết này Lưu Chữ sẽ nói sâu hơn, còn vào thời điểm hiện tại, Lưu Chữ xin phép được bỏ ngỏ phần định nghĩa cho từng hệ thống, và nhường lại cách định nghĩa cho các nhà nghiên cứu mà Lưu Chữ sẽ lưu ý lại ở phần Tham khảo và Chú thích ở phía dưới.
Trong 5000 năm phát triển, chữ viết không đi theo một đường thẳng. Và để điểm qua hết hơn 300 hệ thống chữ với 7000 ngôn ngữ hiện tại sẽ là một hành trình dài, nên Lưu Chữ sẽ chỉ tập trung vào những hệ thống chữ chính trên thế giới, và ảnh hưởng của các hệ thống này tới ngôn ngữ và chữ viết trong tiếng Việt.
Điểm bắt đầu của vũ trụ được coi là vụ nổ Big Bang, còn điểm bắt đầu của chữ viết là ở đâu, và dáng dấp của chữ viết trước khi được nhào nặn qua thời gian là như thế nào? Lưu Chữ sẽ dành riêng Bài 2 - Ngày xửa ngày xưa - Hệ thống tiền chữ viết để nói về nội dung này. Cùng đón chờ nhé 🤓
(*) Hiện tại có một vài khái niệm mà Lưu Chữ chưa biết phải dịch ra tiếng Việt như thế nào, điển hình như hệ chữ Hangul của Hàn Quốc mà có nhiều nguồn gọi là Featural - Lưu Chữ sẽ dịch tạm là Tượng trưng cho sát nghĩa đen nhất của từ này. Có thể đọc thêm về hệ chữ Featural ở đường dẫn này. Nếu có dịp Lưu Chữ sẽ có một bài tìm hiểu thêm về hệ chữ Hangul này trong tương lai.
Phông chữ được dùng trong bàI
- Noto Sans (CJK, Thai, Arabic và Normal) bởi Google
- Inter bởi Rasmus Anders
Sách
[1] Powell, B. B. (2012). Writing: Theory and history of the technology of civilization (p.13). Chichester, England: Wiley-Blackwell.
(https://www.wiley.com/en-vn/Writing:+Theory+and+History+of+the+Technology+of+Civilization-p-9781405162562)
Website
[2] Ghosh, D., Dube, T., & Shivaprasad, A. (2010). Script recognition—a review. IEEE Transactions on pattern analysis and machine intelligence, 32(12), 2142-2161.(https://www.researchgate.net/publication/47544548_Script_Recognition-A_Review)